Theo quy định, hầu hết các văn kiện của Liên Hợp Quốc (LHQ) đều phải dịch ra 6 thứ ngôn ngữ chính thức là Anh, Pháp, Tây-ban-nha, Nga, A-rập và Trung Quốc.
Trụ sở châu Âu của LHQ (đặt ở Giơ-ne-vơ) có một cơ quan phụ trách việc tổ chức các cuộc họp, gọi là Vụ Hội nghị, trong đó có Ban dịch miệng. Công tác dịch viết thì do Vụ Ngôn ngữ phụ trách. Vụ này có 6 phòng dịch chia theo các ngôn ngữ nói trên. Phòng tiếng Tây-ban-nha có nhiều phiên dịch viên nhất, rồi đến Phòng tiếng Nga. Phòng tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc như nhau; rồi đến tiếng A-rập. Phòng tiếng Anh ít người nhất. Ngoài ra còn có 6 phòng đánh máy, cũng chia theo các thứ tiếng đó. Phòng đánh máy tiếng Trung có hơn chục nhân viên.
Trước đây việc phiên dịch tiếng Trung đều dùng người Hoa ở nước ngoài hoặc Hoa kiều; từ cuối thập niên 70 thế kỷ trước bắt đầu dùng phiên dịch viên chuyên nghiệp đến từ đại lục Trung Quốc. Từ năm 2005 trở đi, toàn bộ phiên dịch viên Phòng tiếng Trung đều là người đại lục Trung Quốc.
Trước thập niên 90, phiên dịch viên tiếng Trung ở LHQ do Bộ Ngoại giao Trung Quốc giới thiệu và cử đi. Từ thập niên 90 trở đi, phiên dịch viên tiếng Trung đều do LHQ tuyển chọn; được hưởng chế độ viên chức quốc tế của LHQ, tiền lương rất cao. Hiện nay nói chung các viên chức quốc tế người Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ đều đã mua được nhà, có người tậu biệt thự thứ hai.
Đối tượng phục vụ của Phòng Tiếng Trung chủ yếu là các phái đoàn Trung Quốc đến dự họp LHQ. Vì các cán bộ ngoại giao Trung Quốc đều sử dụng thành thạo tiếng Anh, cho nên hiện nay ít người thực sự cần dùng văn bản tiếng Trung.
Khối lượng công việc của phiên dịch viên Phòng tiếng Trung được tính theo số từ tiếng Anh. Nói chung khối lượng công việc hàng ngày của mỗi phiên dịch viên là 1850 từ tiếng Anh, trung bình tương đương 5 trang A4. Trường hợp khẩn cấp thì việc nhiều hơn. Công việc được phân công theo sở trường và năng lực của từng phiên dịch viên, có chia thành các nhóm như kinh tế thương mại, nhân quyền, luật quốc tế, …
Phương thức dịch chia làm 4 loại:
– “Dịch tay”, tức trực tiếp viết trên giấy. Hình thức này nhanh chóng và thuận tiện khi cần dịch các văn bản ngắn hoặc có tính khẩn cấp; nhưng hiện nay rất ít dùng;
– “Dịch miệng-đánh máy”: phiên dịch viên ghi âm lời dịch vào băng rồi chuyển cho nhân viên đánh máy nghe băng đánh máy ra văn bản, sau đó phiên dịch viên soát chữa;
– “Dịch đọc”: phiên dịch viên dịch đọc trực tiếp vào mi-crô của máy tính; hệ thống ngôn ngữ của máy tính sẽ tự động đánh máy ra văn bản trên màn hình. Khi dùng cách này, phiên dịch viên phải tập cho máy tính quen với giọng của mình;
– “Dịch trên máy tính”: phiên dịch viên tự gõ bàn phím lời dịch; sau đó chuyển cho Phòng đánh máy để họ làm thành văn bản theo đúng mẫu quy định.
Để đảm bảo chất lượng dịch, mỗi Phòng Ngôn ngữ đều có các phiên dịch viên thâm niên cao chuyên soát chữa văn bản dịch; nói chung vẫn dùng bút đỏ chữa trên giấy.
Theo ý kiến của các phiên dịch viên đã làm việc mấy chục năm ở đây, để trở thành một phiên dịch viên đạt yêu cầu của LHQ, trước hết phải giỏi tiếng mẹ đẻ; thứ hai, phải thông thạo ngoại ngữ; thứ ba, phải có kiến thức toàn diện; cả 3 mặt đó không được thiếu mặt nào…