Để biên dịch tốt đòi hỏi người làm công việc đó không những tinh thông về ngoại ngữ mà còn phải rất am hiểu tiếng mẹ đẻ. Vừa làm vừa tự nâng cấp mình được xem như phương châm đem lại thành công. Đưa được một tác phẩm đến với độc giả là cả một quá trình làm việc không ngừng của người biên dịch Học được nhiều.
Những năm gần đây biên dịch (BD) không còn là mảnh đất riêng của những nhà nghiên cứu như trước. Đã xuất hiện một đội ngũ BD viên là các bạn trẻ có năng khiếu về ngoại ngữ.
Như Ngọc Quỳnh (khoa Anh Trường ĐHKHXH&NV) nhận biên dịch tài liệu từ khi còn học năm 3. Nhiều sinh viên khác trong lớp Quỳnh cũng thường xuyên nhận dịch thuê. Thù lao nhận được có thể không cao, thường từ 30 – 40 nghìn/trang A4, song cũng là khoản thu nhập đáng kể đối với sinh viên. Tuy nhiên, điều hấp dẫn các bạn nhất đó là nhờ BD mà khả năng tích luỹ vốn từ vựng, ôn luyện cấu trúc ngữ pháp được nâng cao.
Những người BD còn ví công việc đem đến cho họ cơ hội “hội nhập” với thế giới bên ngoài. Ngồi một chỗ nhưng cũng có thể tường tận phong tục tập quán, bản sắc văn hoá hay con người của một quốc gia. Nhờ trực tiếp dịch mới hiểu được sự đa nghĩa, đa ngữ cảnh của mỗi một câu chữ. Ngọc Anh (ĐHNT) tâm sự sau một vài lần dịch bài cho báo, bạn nhận thấy mình học được tính nhẫn nại, kiên trì bởi có khi chỉ một vài từ nhưng để chuyển nghĩa cho đúng, cho phù hợp cũng phải suy nghĩ, tìm tòi mất không ít thời gian. Ngoài ra, với nhiều BD, chỉ cần sắp xếp thời gian hợp lý thì có nhiều cơ hội làm nghề. Trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều đầu sách, tài liệu chuyên ngành bằng ngoại ngữ nên việc làm cho người BD được xem là nguồn tài nguyên khó cạn. Có lẽ chính những lý do trên mà với công việc vốn được xem “rất khó tính” như biên dịch vẫn thu hút được nhiều người. Yêu cầu cao Công cụ sắc bén nhất để làm nghề này đó là những khả năng liên quan đến ngoại ngữ như đọc hiểu, viết.
Mỗi lĩnh vực có những đặc trưng riêng nên để có bản dịch hay, bản dịch đúng không thể đưa tất cả các từ ngữ của ngoại ngữ đó chuyển thể y trang sang tiếng Việt. Người biên dịch cần có sự đánh giá tài liệu gốc rồi mới sắp xếp để dịch. Trước khi bắt tay vào việc thì người biên dịch phải đọc lướt để nắm nội dung. Sau đó mới đi vào chi tiết ở từng cấu trúc câu, từng từ ngữ được sử dụng. Một người biên dịch chuyên nghiệp cần có thái độ khách quan để chuyển tải nội dung gốc của tài liệu. Điều tối kỵ của người dịch đó là không được để ý kiến chủ quan đánh giá về vấn đề đang dịch. Nhất thiết bản dịch phải đúng với tài liệu gốc dù hay hay không. Làm biên dịch mà chỉ giỏi ngoại ngữ thôi cũng chưa đủ. Phải nhuần nhuyễn trong sử dụng tiếng mẹ đẻ để dịch không bị “ngô nghê”, thậm chí “đọc tiếng Việt mà chẳng hiểu gì”. Không phải cứ dịch sát từng từ ngữ mà cần linh hoạt đưa ra cách viết ngắn gọn, súc tích, lôi cuốn nhất cho bản dịch cuối cùng. Biết cách vận dụng các kinh nghiệm và vốn sống tích luỹ được cũng là một trong những yêu cầu cần có để việc dịch hiệu quả hơn.
Chị Ngọc (Công ty Lasta) luôn nghĩ rằng “bản thân tất cả các bài dịch đều là những đứa con tinh thần của mình nên cần phải vận dụng hết khả năng để chuyển tải nội dung đến người tiếp nhận sao cho chính xác nhất. Nếu bài viết hay tài liệu quá khó, không thể dịch được thì sẽ từ chối bởi không thể nhận bừa rồi dịch qua loa được”. Có trách nhiệm với sản phẩm chọn dịch, đặt mình ở vị trí của người đọc cũng là yếu tố giúp tạo nên bản dịch có chất lượng, được độc giả tin tưởng. Tuy nhiên, tất cả những cái khó này sẽ được “hoá giải” khi bạn thực sự đam mê với công việc đang làm, có năng khiếu trong việc viết lách và tạo được tính trung thành trong mỗi sản phẩm